Khơi nguồn lực để bứt phá

- Trong những năm gần đây, Tuyên Quang đã có những bước tiến đáng kể trong việc khai thác tiềm năng và nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực không ngừng của các cấp, Tuyên Quang đang dần khẳng định vị thế là một địa phương giàu tiềm năng với nhiều cơ hội phát triển bứt phá.

Xây dựng hạ tầng, tạo đòn bẩy kinh tế

Phát triển hạ tầng giao thông là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhằm thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển toàn diện và bền vững của khu vực miền núi phía Bắc. Tỉnh đã và đang huy động nhiều nguồn lực, ưu tiên cho phát triển hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng của tỉnh. Nhiều công trình, dự án trọng điểm được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm kết nối giao thông để liên kết vùng, tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo sự đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Hoàn thành đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; khởi công xây dựng dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1); đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, các trục phát triển của huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên… Đây đều là những động lực quan trọng thúc đẩy giao thương, tăng lợi thế thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch của tỉnh.

Dự án Vinpearl Mỹ Lâm Tuyên Quang đang được đầu tư xây dựng.

Tỉnh cũng chú trọng đến việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế để thu hút đầu tư. Hạ tầng công nghiệp được xây dựng hiện đại, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể tiếp cận thuận lợi và triển khai dự án. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập 2 khu công nghiệp tổng diện tích là 323 ha và 6 cụm công nghiệp, tổng diện tích 375 ha. Theo Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Tuyên Quang sẽ thành lập mới 6 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp.

Hạ tầng giao thông cũng mở đường cho du lịch Tuyên Quang tăng tốc. Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Tuyên Quang tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch Quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia; danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia.

Cải cách hành chính, thu hút đầu tư

Thời gian qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ số CCHC của tỉnh không ngừng được cải thiện. Năm 2023 chỉ số CCHC của tỉnh đạt 88,46%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 3,12%, tăng 16 bậc so với năm 2022). Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 82,83%, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,11% so với năm 2022).

Sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện và hấp dẫn, giúp thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Tỉnh đã chủ động, tích cực làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực như: Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Danko, Tập đoàn Flamigo, Công ty Cổ phần EREX (Nhật Bản), Công ty TNHH WooJin Vina Korea, Công ty TNHH Tarpaulin JoYoung Vina... Đến nay đã thu hút được 21 dự án đầu tư vào khu công nghiệp, 29 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 3.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 10.000 lao động tại địa phương. Trong 7 tháng đầu năm tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 175 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 1.060 tỷ đồng. Hiện nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 2.792 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 35.831 tỷ đồng.

Nhờ đó, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã có sự cải thiện đáng kể qua từng năm. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển khá, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt trên 7,6%, tính riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 8,84% (xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 2/14 các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ). Trong 7 tháng đầu năm thu hút gần 2 triệu lượt khách du lịch, tăng 3,6% so với cùng kỳ.

Sản xuất tại Nhà máy may MYB Tuyên Quang.

Tiếp tục tạo đà tăng trưởng

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà bứt phá trong thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển một số ngành công nghiệp thế mạnh như, công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp; công nghiệp may, da giày; công nghiệp phụ trợ, thủy điện, chế biến. Với mục tiêu "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm có tác động liên vùng và có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch, có hệ thống xử lý nước thải, chất thải để thu hút các dự án vào cụm công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tỉnh có những định hướng và đầu tư lâu dài về du lịch, qua đó, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, hiệu quả cao...

Về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tỉnh tập trung vào vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Địa phương chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, Hợp tác xã và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chú trọng nội dung tiêu chí nông thôn mới ở cấp thôn, bản và hộ gia đình...

Tỉnh tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, dự án Làng văn hóa du lịch và phát huy giá trị lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào; triển khai các Đề án, Chương trình, kế hoạch phát triển du lịch góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và đóng góp một phần cho ngân sách, thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Với chiến lược phát triển đồng bộ, tận dụng tốt các nguồn lực và tiềm năng sẵn có, tỉnh Tuyên Quang đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong khu vực. Sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, môi trường sẽ là nền tảng vững chắc để Tuyên Quang tiếp tục bứt phá trong tương lai.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục